SATRA đóng vai trò quan trọng trong nền thương mại TP.HCM. Hơn 70 đơn vị thành viên đang hoạt động xoay quanh bốn mũi nhọn: sản xuất chế biến – dịch vụ logistics – kinh doanh xuất nhập khẩu – thương mại nội địa. Sự kết hợp thế mạnh hệ thống và sự dịch chuyển từ thương mại truyền thống đến bán lẻ hiện đại đang từng bước khẳng định vị thế SATRA trong thị trường thương mại – bán lẻ đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
- Bốn mũi nhọn trong mô hình chuỗi
Mô hình chuỗi của SATRA đã hình thành một vị thế nhất định trên thị trường, nhờ sở hữu các hoạt động kinh doanh thương mại với cả hai mô hình thương mại truyền thống và bán lẻ hiện đại. Các chuyên gia trong ngành đánh giá lợi thế lớn của SATRA trước tiên đi từ vai trò quản lý và điều phối chợ đầu mối Bình Điền, nơi cung cấp hàng hóa cơ bản đến người dân cả khu vực phía Nam, và Thương xá Tax – được xem là biểu tượng của thương mại cao cấp trong tương lai nhờ sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất của TP.HCM, dù dự án này còn nhiều năm nữa mới hoàn thành.
Các hoạt động sản xuất – chế biến và xuất nhập khẩu nhiều năm qua đã mang lại cho SATRA lợi thế lớn về giá trị xuất khẩu lẫn cung ứng nội địa, hiện trở thành nguồn cung hàng hóa quan trọng hậu thuẫn cho kênh bán lẻ hiện đại, đặc biệt là chuỗi SATRAFoods – mô hình cửa hàng tiện lợi chuyên doanh thực phẩm, đưa hàng thiết yếu đến các khu dân cư.
Nỗ lực của SATRA trong việc đầu tư phát triển hệ thống phân phối – bán buôn – bán lẻ và dịch vụ logistics trong những năm qua đã hình thành rõ nét chuỗi phân phối – bán lẻ, đi từ mô hình trung tâm thương mại (Centre Mall), siêu thị (SATRA Mart), cửa hàng tiện ích (SATRAFoods) cho đến các thương hiệu đặc thù về ẩm thực như Satra FoodCourt và Satra Bakery & Café.

Thế mạnh của các nhà bán lẻ, theo nguyên tắc, còn nằm ở năng lực thiết lập một hệ thống đối tác nhà cung cấp để có thể tối ưu chi phí và cạnh tranh trên thị trường. Ở thị trường nội địa, SATRA đóng vai trò trọng yếu về tạo lập thị trường hàng hóa không chỉ tại TP.HCM mà còn trên cả nước với lượng hàng hóa phong phú về nông thủy hải sản từ chợ đầu mối Bình Điền cho đến hàng thực phẩm chế biến các loại của các công ty tên tuổi do SATRA sở hữu như Vissan, Cầu Tre, Cofidec, APT, Agrex…

Các công ty thành viên SATRA đang sở hữu các nhà máy đạt tiêu chuẩn quốc tế HACCP, EU, ISO 9002:2000, từ đó cung ứng nhiều mặt hàng chế biến từ gia súc, thủy sản, nông sản, thực phẩm công nghệ và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chưa kể vai trò liên doanh giữa SATRA và tập đoàn Nhà máy bia châu Á – Thái Bình Dương (APBL) liên kết với tập đoàn Heineken N.V – Hà Lan tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh trong thị trường thức uống như Heineken, Tiger, Tiger Crystal, BGI, Biere Larue, Bivina… cũng là một thế mạnh cho mô hình chuỗi SATRA.
Mô hình chuỗi SATRA nếu tận dụng hiệu quả kênh phân phối và tiêu thụ hàng hóa khép kín từ chợ đầu mối – các công ty thành viên đến hệ thống bán lẻ sẽ là một lợi thế lớn trong cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác.
Một lợi thế lớn nữa của SATRA là chương trình liên kết hợp tác và mở rộng với đối tác bên ngoài để khép kín chuỗi sản xuất – chế biến hàng hóa xuất khẩu và phân phối của tổng công ty từ trước khi mô hình bán lẻ hiện đại được chú trọng phát triển những năm gần đây.
Với vai trò đầu tàu thương mại, SATRA là đơn vị xuất nhập khẩu nhiều chủng loại hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất cũng như tiêu dùng với các sản phẩm thiết yếu như xăng, gạo, cà phê, thủy hải sản đông lạnh… Sản lượng hàng hóa mua bán, trao đổi ngày càng gia tăng tạo ra lợi thế cho toàn kênh thương mại.
Để phát triển chuỗi khép kín, kho lạnh hiện đại với quy mô lớn được SATRA đầu tư tại trung tâm thương mại Bình Điền. Đây là mắt xích logicstic quan trọng nhằm đảm bảo thế mạnh cung cấp hàng thực phẩm tươi sống phục vụ nội khối lẫn cung ứng dịch vụ cho bên ngoài của SATRA.

Từ vai trò đầu mối, chợ Bình Điền đang được thiết kế lại theo mô hình khu thương mại, một công trình trọng điểm của TP.HCM, không chỉ là trung tâm phân phối hàng hóa nông thủy hải sản mà được xây dựng thành trung tâm giao dịch hoa, cây kiểng, cá cảnh…, hứa hẹn bộ mặt mới trong vai trò đầu tàu thương mại và bán lẻ của SATRA.
- Lợi thế và thách thức
Việc sở hữu chuỗi từ phân phối truyền thống đến thương mại hiện đại là điểm nhấn khác biệt tạo dựng tiềm lực cho SATRA, nếu được tận dụng và khai thác hiệu quả với bước đi hợp lý sẽ tạo cho SATRA một vị trí quan trọng ở thị trường bán lẻ hiện đại, dù họ tham gia muộn hơn nhiều đối thủ khác. Thị trường bán lẻ hiện đại với sự hiện diện của các thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã thiết lập hệ thống từ nhiều năm trước (như SaigonCo.op, Big C, Metro, Maximark, Lotte Mart…) bên cạnh các tên tuổi nhập cuộc gần đây như Central Group, eMart; hoặc thương hiệu lớn như Aeon với các trung tâm mua sắm lớn bao quanh các vùng phụ cận đô thị, song song đó mua lại các thương hiệu bán lẻ đã thiết lập được hệ thống (như Fivimart và Citimart) để nhanh chóng mở rộng chuỗi, cho đến gần đây là cuộc chơi của Vingroup với chiến lược thâu tóm ồ ạt để thực hiện tham vọng tạo ra hệ thống 100 siêu thị Vinmart và 1.000 cửa hàng tiện ích Vinmart+ trong vòng ba năm… đang đặt SATRA vào thế “thập diện mai phục”.

Trên thực tế, từ năm 2011 SATRA mới chính thức bắt tay vào đầu tư cho kênh bán lẻ với việc mở chuỗi cửa hàng thực phẩm Satrafoods, định vị theo hướng cung ứng hàng hóa cơ bản cho đời sống các gia đình đô thị. Phân khúc này đang chịu sự cạnh tranh với các đối thủ có nhiều năm trong ngành bán lẻ như Co.op Food hay C Express, Fivimart…, chưa kể các chuỗi cửa hàng tiện lợi (không gắn với thực phẩm tươi sống) như Circle K, Family Mart, Shop&Go, B’s Mart, Ministop…
Mấu chốt thành công ở thị trường bán lẻ cho chuỗi SATRA nằm ở mô hình cửa hàng tiện lợi chuyên doanh thực phẩm Satrafoods, nơi tạo ra kênh phân phối và tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị thành viên nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung, mà các đối thủ khác không có được. SATRAFoods thừa hưởng lợi thế hàng hóa trong chuỗi cung ứng SATRA, là cơ hội giúp giảm các rủi ro, và dễ dàng thành công nếu quy mô chuỗi đạt đủ độ lớn, việc tổ chức kinh doanh bán lẻ hợp lý và tận dụng hiệu quả các lợi thế của toàn hệ thống.
Mô hình trung tâm thương mại và siêu thị tổng hợp như Centre Mall hay SATRA Mart là một bước đa dạng hóa các loại hình bán lẻ hiện đại và chuyên nghiệp trong toàn kênh SATRA. Trong dài hạn hơn là khu phức hợp Tax Plaza được giới đầu tư chờ đón có thể tái lập hình ảnh để trở thành một trung tâm thương mại hoạt động theo mô hình bán lẻ hiện đại cao cấp đúng nghĩa “brand department store” (mô hình bán lẻ tổ chức theo thương hiệu), sẽ tạo ra khác biệt nhờ vào “vị trí vàng” được đánh giá có sức hút với các thương hiệu đẳng cấp quốc tế.

Định hướng phát triển Trung tâm Phân phối SATRA đến năm 2020 không chỉ cung ứng hàng nội khối mà phát triển thành kênh phân phối cho các đơn vị thành viên và bên ngoài cũng là bước đi hết sức cần thiết. Tăng tỉ lệ nội địa hóa để giảm phụ thuộc đầu vào nhập khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh được xem là điều kiện tiên quyết để SATRA có thể khai thác cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Những lợi thế này tạo cho SATRA khả năng chủ động hàng hóa trên thị trường nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức về tính quản lý hệ thống trong phát triển chuỗi, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, giá cả, tổ chức bán hàng hay điều phối nhân sự…, vốn dĩ là thách thức lớn đối với bất kỳ mô hình phân phối – bán lẻ nào trong điều kiện thị trường cạnh tranh ồ ạt về cung ứng hàng hóa lẫn nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển.
Bài HOÀNG DUYảnh THANH HẢO