Năm 2016 được coi là năm “u ám” nhất với xuất khẩu gạo. Năm nay, thị trường đang cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta không nên vội mừng, bởi nếu đang trong tình trạng “bi đát” mà đối diện ngay với triển vọng tăng trưởng quá nóng, quá nhanh sẽ có thể gặp nhiều rủi ro, nhất là khi bản thân ngành lúa gạo còn nhiều vấn đề.
Xét về triển vọng ngành lúa gạo Việt Nam năm 2017, cả Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều cho rằng giá gạo danh nghĩa có khuynh hướng tăng.
WB dự báo giá gạo trung bình năm 2017 sẽ giảm 2,7% so với năm 2016, sau đó tăng 6% trong năm 2018. IMF dự báo giá gạo danh nghĩa tăng nhưng trước năm 2020, mặt bằng giá vẫn thấp hơn năm 2016, trong khi giá gạo thực tế duy trì khuynh hướng giảm đến năm 2030.
Tin vui liên tiếp
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo Philippnies, Sri Lanka dẫn đầu phục hồi nhập khẩu gạo châu Á năm 2017. Còn trong tháng 2/2017, Việt Nam và Philippines đã gia hạn thỏa thuận thương mại gạo G2G 1,5 triệu tấn/năm đến hết năm 2018.
FAO nhận định thêm, Trung Quốc sẽ nhập 6 triệu tấn gạo năm 2017, tăng 3% so với năm 2016. Tuy nhiên, tình hình nhập khẩu của Trung Quốc có diễn biến khó lường, dẫn đến việc phá vỡ chính sách giá sàn, hiện chỉ còn giữ giá sàn với gạo và lúa mì nhưng giảm giá sàn thu mua cả lúa Indica và Japonica khi đó, Việt Nam không có thông tin chính thống về tình trạng kho dự trữ gạo nước này.
Thực tế, thị trường xuất khẩu gạo hiện nay của Việt Nam được dự báo đang khởi sắc trở lại khi một số nước như Bangladesh, Philippines, Malaysia cho biết sẽ nhập khẩu gạo Việt Nam.
Mới đây, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Lương thực Bangladesh đã ký kết một biên bản ghi nhớ về thương mại gạo giai đoạn năm 2017 – 2020. Cụ thể, Bangladesh sẽ nhập khẩu của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn gạo mỗi năm, tùy vào nhu cầu. Riêng năm nay, Bangladesh dự kiến nhập khẩu khoảng 500.000 tấn gạo từ Việt Nam do nước này mất mùa.
Cùng với đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường Philippines đã thông báo mở thầu nhập khẩu khoảng 250.000 tấn gạo nhằm đảm bảo cho an ninh lương thực trước vụ giáp hạt trong tháng Bảy của nước này.
Malaysia cũng đang giao dịch để xúc tiến hợp đồng nhập khẩu khoảng 100.000 tấn gạo. Đặc biệt, Thái Lan cho biết đã xả gần hết kho gạo tồn dư, chỉ còn khoảng 1 triệu tấn.
Ông Phạm Quang Diệu, công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), nhận định, cuối tháng 3/2016 là thời điểm khá đen tối của thị trường lúa gạo Việt Nam song đến nay chúng ta đang tăng trưởng quá nóng với triển vọng Bangladesh sẽ nhập khẩu 500.000 – 700.000 tấn gạo.
Ông Diệu nhận định, Philippines sau nhiều lần trì hoãn, chắc chắn phải nhập khẩu gạo Việt, vào tháng Sáu này và giá gạo trắng của Việt Nam được dự báo rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, Thái Lan dốc toàn bộ tồn kho gạo, từ nay không còn áp lực tồn kho gạo Thái Lan lên thị trường gạo nữa.
Vì vậy, “nếu như trước đó, chúng ta đang trong tình trạng hết sức bi đát, nay lại đối diện ngay với triển vọng tăng trưởng quá nóng, quá nhanh và quá nguy hiểm về xuất khẩu gạo. Nếu ‘nóng’ quá sẽ gây nguy hiểm khi mà ngành lúa gạo Việt vẫn chưa giải quyết được những điểm cốt yếu và chưa dự báo tốt thị trường”, ông Diệu cảnh báo.
Cùng quan điểm, báo cáo nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) chỉ ra rằng Việt Nam đang xuất gạo giá thấp và phải nhập khẩu gạo giá cao. Do đó, chúng ta cần tái định vị hình ảnh và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Nút thắt hai đầu
Nhận định chuỗi cung ứng gạo Việt Nam xuất khẩu bị thắt hai đầu, bà Phạm Thị Kim Dung – đại diện Ipsard, cho biết, trong khi sản xuất lúa cho xuất khẩu được xác định là tương đối tập trung, hoạt động chế biến lại phân tán với hơn 300.000 nhà máy, chủ yếu có quy mô nhỏ so với 1.000 nhà máy của Thái Lan.
Tiếp đó, hoạt động xuất khẩu bị thắt lại với khoảng 100 nhà xuất khẩu, trong đó, hiện chỉ có 22 nhà xuất khẩu được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Dẫn tới, thị phần gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới có khuynh hướng giảm trong những năm gần đây so với mức tăng mạnh của hạt điều, hạt tiêu, sắn…
Năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam giảm 27% về lượng, 23% về giá trị so với 2015, thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Theo bà Dung, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam tương đối tập trung, top 6 thị trường lớn nhất chiếm hơn 70% thị phần. Giai đoạn năm 2012 – 2016, thị phần của Trung Quốc tăng từ 24% lên 36% nhưng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) giảm 3%/năm.
Ghana là thị trường duy nhất trong top 6 vừa có thị phần tăng liên tục từ 4% lên 11% và có CAGR dương 10%. Các thị trường truyền thống tại châu Á có diễn biến nhập khẩu gạo biến động mạnh, khó lường.
Phân tích các yếu tố tác động tới ngành lúa gạo của Việt Nam trong tương lai, Ipsard dự báo một số bất lợi, về phía cầu lúa gạo nội địa, thay đổi thói quen ăn uống đang diễn ra ở mọi phân khúc thu nhập, báo hiệu những chuyển biến đáng kể trong nhu cầu.
Nếu như năm 2002, 20% hộ có thu nhập cao nhất dành hơn 48% ngân sách thực phẩm cho gạo, tới năm 2012, 20% hộ thuộc nhóm này dành còn khoảng 33% ngân sách thực phẩm cho gạo…
Về phía cầu lúa gạo quốc tế, tại châu Á, nhu cầu tiêu dùng gạo trên đầu người giảm nhanh nhất ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông, tiếp theo là Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với tốc độ giảm diễn ra chậm tại Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng gạo trên đầu người vẫn được dự báo tăng tại Philippines, Myanmar, Campuchia, Bangladesh và Lào.
Tuy nhiên, các nước nhập khẩu lớn đang có những định hướng chính sách riêng. Cụ thể như: Trung Quốc đa dạng hóa nguồn gạo nhập khẩu, Philippines, Indonesia và Malaysia (cùng với các nước châu Phi) nỗ lực tự cung tự cấp, thậm chí Indonesia đang có tham vọng xuất khẩu 10.000 tấn gạo trong năm 2017.
Vì vậy, cần có cấp quản lý và hoạch định chính sách, có đơn vị theo dõi về nông nghiệp nói chung và thương mại nông sản Trung Quốc nói riêng. Hiện nay, theo đánh giá, cả dự báo trong ngắn, trung và dài hạn của Việt Nam đều không chính xác.
Ông Diệu cho rằng câu chuyện dự báo là câu chuyện vô cùng phức tạp do mấy khía cạnh là thị trường lúa gạo về bản chất ở châu Á chịu tác động của các yếu tố chính trị rất lớn và không minh bạch, những quyết định bán mua của các nhà nhập khẩu lớn như Philippines, Malaysia và Indonesia được giữ kín hết sức, thậm chí là đánh lừa.
Do đó, bản chất của dự báo ngắn và dài hạn là khác nhau, trong dài hạn chúng ta có thể đưa ra những dự báo về cân đối cung cầu và xu hướng giá một cách tương đối chính xác, nhưng trong ngắn hạn, rất khó có thể dự báo chính xác được mà cần phải dự báo liên tục.
Lê Thúy/ Thời báo Kinh Doanh
Ông Hồ Quang Cua – Phó Chủ tịch Liên Hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sóc Trăng Ưu thế về xuất khẩu gạo trắng của Việt Nam giảm dần, sản lượng xuất khẩu đã thấp hơn Ấn Độ và sụt giảm còn hạng ba thế giới. Sắp tới, đối thủ kế tiếp của Việt Nam là Myanmar, quốc gia mà năm thập niên trước họ đã dẫn đầu xuất khẩu gạo trên thế giới. Bà Phạm Thị Kim Dung – Đại diện Ipsard Năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam giảm 27% về lượng, 23% về giá trị so với 2015, thấp nhất trong vòng 8 năm qua, nguyên nhân là vì gạo Việt Nam đang có khuynh hướng giảm khả năng cạnh tranh trong dài hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Thái Lan đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở phân khúc thị trường gạo chất lượng trung bình. Ông Sergio Araujo – Ban Thương mại và Thị trường (FAO Rome) Gạo Việt Nam cần phải chuyển từ phân khúc lúa gạo cấp thấp sang xây dựng thương hiệu lúa gạo cấp cao. Tuy nhiên, trong phân khúc gạo cấp cao cũng đang cạnh tranh rất khốc liệt nên cần làm thế nào để phân biệt được lúa gạo Việt Nam với các thương hiệu lúa gạo của các quốc gia khác. |