Ngày 9/4, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh trước tác động chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ”.
Đồng chí Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, chủ trì hội thảo.

Mục tiêu của hội thảo là để lãnh đạo thành phố tham vấn, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian chờ đợi kết quả đàm phán về chính sách thuế đối ứng Việt Nam-Hoa Kỳ.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Trương Minh Huy Vũ cho rằng: Nếu mức thuế đối ứng 46% được Hoa Kỳ áp dụng đối với Việt Nam, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như điện tử, dệt may, gỗ, thủy sản… sẽ giảm mạnh khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung và thành phố nói riêng sang Hoa Kỳ sẽ giảm. Không những vậy, các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam cũng sẽ bị tác động tiêu cực, nhất là chuỗi cung ứng và hoạt động đầu tư.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng suy giảm. Song song đó, tỷ giá VND/USD cũng sẽ bị sức ép lớn do Việt Nam phải tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ để thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.
Đồng thời, ông Trương Minh Huy Vũ đã đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế của thành phố tương ứng với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Theo đó, nếu mức thuế đối ứng là 46% được áp dụng, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thành phố giảm mạnh thị phần tại Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp đóng cửa…. thì tăng trưởng GRDP năm 2025 của thành phố có thể đạt từ 4,63% đến 5,75%; nếu mức thuế đối ứng 25% thì là 6,23% đến 7,35% và nếu thuế đối ứng 15% thì là 7,37% đến 8,49%.
Từ đó, ông Trương Minh Huy Vũ đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm: Thúc đẩy xuất-nhập khẩu; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư; thúc đẩy chi tiêu công, kích cầu tiêu dùng, du lịch và bình ổn thị trường; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy các dự án phục vụ an sinh xã hội; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu Hoa Kỳ áp mức thuế suất đối ứng 46%, thành phố cũng không quá lo lắng, tăng trưởng kinh tế của thành phố sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, mà cần có sự chủ động ứng phó sớm bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Theo tính toán của GS,TS Nguyễn Trọng Hoài (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh), nếu Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%, tăng trưởng GRDP của thành phố sẽ chỉ giảm khoảng 0,3% chứ không giảm sâu như các nhận định khác.
Và theo GS,TS Nguyễn Trọng Hoài, đây là cơ hội để tái cấu trúc hoạt động kinh tế, thành phố cần có giải pháp ngắn hạn và dài hạn để ứng phó với thuế suất mới của Hoa Kỳ. Trong đó, về ngắn hạn vẫn phải lắng nghe và giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường đầu tư công; qua đó, giúp giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Được khẳng định: Thành phố vẫn sẽ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 (ở mức 8,5%, phấn đấu đạt 10%). Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công; tháo gỡ các dự án bị vướng mắc, ngưng trệ; triển khai các chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai Trung tâm Tài chính quốc tế…
Cùng với đó, thành phố sẽ tái cơ cấu lại các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại theo hướng hiệu quả thực chất hơn, tập trung xúc tiến ở các thị trường xuất khẩu lớn, tiềm năng và mang tính ổn định; tái cơ cấu, nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam; tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu đúng về thuế đối ứng và không hoang mang.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI để lắng nghe ý kiến, góp ý.
Hoàng Liêm
(theo Nhân Dân)