- Bán lẻ hiện đang là phương thức cung ứng xăng dầu chủ yếu cho các nhu cầu vận tải, sản xuất và đi lại của cá nhân. Bán lẻ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng lượng xăng, diesel bán ra, trừ những đơn vị sản xuất kinh doanh có nhu cầu lớn: Các nhà máy điện, một số công ty vận tải thủy, công ty Đường sắt sử dụng đầu máy chạy Diesel là có hệ thống kho chứa riêng để nạp xăng dầu cho phương tiện.
Theo khảo sát của Deloloite, năm 2016 cả nước sử dụng 18,5 triệu m3-tấn xăng dầu: Xăng là 7,4 triệu m3-tấn, Diesel là 10,6 triệu m3-tấn. Tốc độ tăng nhu cầu bình quân trong thời gian từ 2005-2015 là Xăng: 7,3%, Diesel là 4,1%.
Trong đó, bán lẻ qua các cửa hàng: Xăng: khoảng 7 triệu m3-tấn, chiếm tỷ trọng trên 90%, Diesel khoảng 8,5 triệu m3-tấn, chiếm tỷ trọng 80%, mức tăng bán lẻ bình quân trong 5 năm 2013-2017 với Xăng là khoảng 5,3% và Diesel là khoảng 7,5%.
Hiện cả nước có 15.000 cửa hàng bán xăng với các quy mô khác nhau. Trong đó, thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhập khẩu: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là: 3.500 (tính cả các công ty liên kết với Tập đoàn này), của doanh nghiệp tư nhân chỉ phân phối trên thị trường nội địa và của đại lý bán lẻ là: 11.000.
Một đặc điểm trong hệ thống đại lý của nước ta là phương thức “mua đứt bán đoạn” và không gắn chặt với một doanh nghiệp cung cấp nào hiện đang là phổ biến. Ở vào một thời điểm cụ thể, doanh nghiệp nào có giá bán buôn thấp hoặc “Hoa hồng” cao thì “ăn” hàng ở đó. Các đại lý bán lẻ phải tự đầu tư cơ sở vật chất nên quy mô, hình thức các cửa hàng rất khác nhau, có cả các trạm bán xăng dầu trên sông, biển để cung cấp cho các loại tàu thuyền cỡ nhỏ. Mật độ phân bố cũng không hợp lý. Có nơi rất dày đặc, có nơi lại quá thưa thớt. Không ít đại lý làm ăn gian dối. Gian dối về số lượng, gian dối về chất lượng. Và, vì không gắn chặt với một doanh nghiệp cung ứng cố định nào nên rất khó xác định loại xăng dầu này lấy từ đâu? Ai chịu trách nhiệm về chất lượng?
- Do quá trình đô thị hóa đang tăng nhanh; định hướng chính sách là hạn chế đi lại bằng xe máy để giảm ùn tắc giao thông, trước hết là các thành phố lớn; cơ chế định giá ngày càng “thị trường” hơn, cùng với sự phát triển của công nghệ là sự chuyển hướng sang sử dụng các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường, hệ thống bán lẻ xăng dầu cũng đang và sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Các hướng thay đổi chính là:
Thứ nhất, Phát triển các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên các đường vành đai và khu vực xa trung tâm thành phố, loại bỏ dần các cửa hàng có quy mô nhỏ ở trung tâm, nhất là ở những nơi có mật độ cửa hàng cao, những tuyến đường thường bị ùn tắc. Xu hướng này là phù hợp với tiến trình hạn chế dần xe máy lưu thông trong nội đô.
Thứ hai, Do việc điều chỉnh giá bán lẻ của Nhà nước ngày càng kịp thời hơn, phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới, tạo điều kiện cho các đại lý bán lẻ gắn bó chặt chẽ hơn với những nhà cung cấp có tiềm lực tài chính lớn, nguồn hàng dồi dào và ổn định, có mức hoa hồng đủ lớn, chất lượng xăng dầu bảo đảm. Điều này giúp hình thành hệ thống đại lý bán lẻ theo đúng nghĩa của khái niệm này (bao gồm đại lý hoa hồng và đại lý mua đứt bán đoạn).
Thứ ba, Mặc dù nước ta không mở cửa dịch vụ phân phối xăng dầu cho các nhà đầu tư nước ngoài nhưng nếu họ đầu tư xây dựng Nhà máy lọc dầu, thì một mặt, họ sẽ dựa vào mạng lưới bán lẻ của các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ sản phẩm của mình. Nhưng, mặt khác, họ vẫn có quyền thiết lập hệ thống bán lẻ ở Việt Nam. Với tiềm năng về tài chính, kinh nghiệm quản trị, các doanh nghiệp này sẽ là đối thủ cạnh tranh “nặng ký” với các doanh nghiệp phân phối trong nước trên thị trường bán lẻ theo cả hai phương thức: thu hút các đại lý bán lẻ và phát triển các cửa hàng bán lẻ của riêng mình.
Thứ tư, Xu hướng mua tại các cửa hàng bán lẻ tăng, không phụ thuộc vào loại năng lượng thay thế (sẽ trình bày sau). Doanh nghiệp nào phát triển được nhiều cửa hàng, mở rộng được mạng lưới đại lý sẽ thu hút đượt được nhiều khách hàng, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng.
Thứ năm, Các cửa hàng bán xăng dầu tự động, thanh toán bằng thẻ không có nhân viên phục vụ phát triển phổ biến ở nhiều nước trên thế giới (ở nước ta, mới chỉ có một số cửa hàng, ở đó, người mua tự nạp xăng, diesel với sự hỗ trợ của nhân viên cửa hàng). Xu hướng này cũng sẽ từng bước phát triển ở nước ta cùng với sự thay đổi thiết bị công nghệ, bao gồm công nghệ thanh toán.
Thứ sáu, Cùng với yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính, đã từng xuất hiện ô tô chạy bằng khí gas, đang xuất hiện loại ô tô chạy điện, thay thế ô tô chạy xăng, dầu, trước hết là ô tô chạy xăng. Do đó, nhu cầu mua lẻ xăng sẽ tăng chậm, thậm chí không tăng, mà còn giảm. Và, người ta dự báo rằng khoảng 30 năm nữa sẽ xuất hiện ô tô chạy bằng khí Hydro. Như vậy, các trạm nạp gas, nạp điện, nạp khí Hydro sẽ thay thế dần các trạm nạp xăng và tiếp theo là thay thế cả trạm nạp Diesel. (Riêng xe chạy gas vẫn phát thải khí nhà kính nhưng không nhiều bằng xăng và diesel nên các trạm nạp gas không phải là hướng phát triển chính);
Thứ bảy, một xu hướng phát triển rất mạnh ở các nước trên thế giới và bắt đầu xuất hiện ở nước ta (tuy còn rất ít) là phát triển các cửa hàng bán xăng dầu có quy mô lớn, mặt tiền rộng, kết hợp với trạm dừng nghỉ cho lái xe. Ngoài nhiên liệu, các cửa hàng này còn bán các loại hàng hóa, cafe, nước giải khát và cung ứng các dịch vụ khác, kể cả dịch vụ vệ sinh có thu tiền.
Trên đây là dự báo những xu hướng phát triển chính trong bán lẻ xăng dầu tương lai. Xu hướng này phát triển ở mức nào còn phụ thuộc vào chính sách của nhà nước, vào khả năng nắm bắt, xử lý thông tin và sự chuyển đổi của các doanh nghiệp cung ứng.
Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại
Nguồn: Petronews