Ðể duy trì được đà tăng trưởng này trong những tháng cuối năm, vấn đề quan sát để định hướng thị trường là hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

xuat-khau-gao_1

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ÐÌNH HUỆ

Bấp bênh tăng, giảm

Nhìn vào sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm thấy rõ sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nhìn lại từ đầu năm 2017, điều dễ nhận thấy là sự bấp bênh trong xuất khẩu của mặt hàng này. Tính riêng bốn tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo chỉ đạt 1,86 triệu tấn và 834 triệu USD, giảm 7,7% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do nhiều thị trường truyền thống như Ga-na, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin… giảm lượng nhập khẩu gạo. Ðáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của nước ta trong những tháng đầu năm cũng ở mức thấp, kéo theo kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Còn trong tháng 6, giá gạo thế giới có nhích lên, nhưng do giá gạo Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với một số quốc gia xuất khẩu khác, nên được các đối tác tìm mua nhiều hơn. Vì vậy, mức tăng trưởng ở giai đoạn này chủ yếu dựa trên sản lượng. Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 4, giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta giảm gần 20 USD/tấn; tháng 5 cũng giảm 11,83 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2016. Ðầu tháng 5-2017, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán chỉ ở mức 350 đến 354 USD/tấn thì gạo Thái-lan đã ở mức 390 USD/tấn, gạo Ấn Ðộ đạt 388 USD/tấn, gạo Pa-ki-xtan dao động ở mức 408 đến 412 USD/tấn. Phải đến đầu tháng 6-2017, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới thật sự tăng khi gạo xuất khẩu loại 5% tấm là 390 USD/tấn và đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 12-2014.

Sản lượng gạo thế giới năm 2017 sẽ tăng 0,7% so với năm 2016, đạt mức hơn 502 triệu tấn nhờ các chính sách thúc đẩy sản xuất tại châu Á và sự phục hồi sản lượng tại Nam Mỹ và Ô-xtrây-li-a. Trong đó, năm nước có sản lượng gạo lớn nhất lần lượt là Trung Quốc, Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Băng-la-đét và Việt Nam. Sau hai năm suy giảm, khối lượng gạo xuất khẩu toàn cầu được dự báo sẽ tăng 5% trong năm nay, do các nước nhập khẩu chủ chốt tại châu Á tăng cường lượng nhập khẩu nhằm giảm sức ép lạm phát và bổ sung nguồn gạo dự trữ.

(Nguồn: Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc)

Nhận định về thực tế này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, với giá bán thấp hơn so với thị trường nhưng bù lại, lượng gạo xuất khẩu lớn hơn đã kéo được mức tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng này trong sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng mừng mà cho thấy sự phản ứng chậm chạp của chúng ta trên thị trường xuất khẩu gạo. Bởi vào thời điểm này, tồn kho gạo ở Thái-lan cơ bản đã giải quyết xong, trong khi Băng-la-đét cần nhập khẩu số lượng gạo lớn để bù đắp lượng lúa bị hư hại do lũ lụt, Phi-li-pin có nhu cầu nhập khẩu gạo số lượng lớn… thì khả năng thị trường sôi động trở lại với mức giá cao là điều chắc chắn xảy ra. Nhưng do không nắm bắt kịp tình hình thị trường cho nên dù gạo Việt Nam xuất khẩu tăng về sản lượng nhưng giá lại không được điều chỉnh kịp thời, vẫn ở mức thấp, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại không nhỏ. Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Ðức Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường đại học Kinh tế – Ðại học Quốc gia Hà Nội) bình luận: Thực tế, áp lực cạnh tranh với các nhà xuất khẩu gạo ngày càng lớn khi số nước xuất khẩu tăng, còn số nước nhập khẩu thì dần tự túc lương thực, cộng thêm nhu cầu về gạo giảm theo từng năm. Chính vì vậy, để tăng kim ngạch xuất khẩu gạo thì Việt Nam nhất định phải tập trung vào yếu tố giá xuất khẩu – đây cũng là một trong những điểm yếu lâu nay của ngành hàng lúa gạo nước ta. Trong bức tranh xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm cho thấy rõ sự bấp bênh của cả sản lượng và giá trị xuất khẩu mà phần nhiều là do chúng ta chưa chủ động trước những biến động nhanh chóng của thị trường.

Duy trì đà tăng trưởng

Theo nhận định của các chuyên gia lúa gạo quốc tế, giá gạo trên thị trường thế giới sẽ còn tăng khoảng 20 USD/tấn trong những tháng tới đây do nhu cầu tăng mà nguồn cung vẫn còn hạn chế. Tại Việt Nam, theo VFA, từ tháng 5-2017 đến nay, nhu cầu các hợp đồng tập trung tăng cao và số lượng có khả năng lên đến 880 nghìn tấn; trong đó, có khoảng 770 nghìn tấn dự kiến được các nước nhập khẩu và nhận giao hàng từ nay đến tháng 8-2017. Thị trường xuất khẩu gạo đang sôi động trở lại rõ rệt sau những trầm lắng hồi đầu năm khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chủ động trữ gạo để chờ giá lên cao. Ðồng thời, do giá gạo xuất khẩu được đẩy lên cho nên giá lúa gạo hàng hóa loại chất lượng cao ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên đáng kể. So với hồi đầu tháng 5, đầu tháng 6-2017, giá lúa khô hạt dài đã tăng 250 đồng/kg, gạo nguyên liệu loại một tăng 550 đồng/kg, gạo thành phẩm 5% tấm tăng 550 đồng/kg.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì mức giá này hoặc tăng cao hơn nữa cho lúa gạo hàng hóa cũng như gạo xuất khẩu. Theo Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng thì ngoài việc phản ứng nhanh với các biến động trên thị trường lúa gạo thế giới cả về cung – cầu, giá cả từng thời điểm thì cũng phải nắm rõ tình hình sản xuất lúa gạo trong nước về sản lượng và chất lượng. Từ đó có thể điều hành thu mua và xuất khẩu có lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ phía nông dân, vẫn còn không ít những lo ngại. Ông Phạm Minh Ðược (xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho biết: Giá lúa vừa qua tăng cao là do doanh nghiệp cần mua gấp để bảo đảm các lô hàng xuất khẩu mới. Còn khi đã chủ động được thị trường và sản lượng rồi thì rất có thể giá lúa hàng hóa sẽ chững lại, thậm chí nhanh chóng giảm xuống như không ít trường hợp trước đây, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ. Ðây cũng là trăn trở của nhiều hộ nông dân trồng lúa trong thời điểm hiện nay khi họ cần nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách liên quan đến sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.

Nhìn nhận từ vấn đề thị trường xuất khẩu, chuyên gia lúa gạo Nguyễn Ðình Bích nhận định: Trong sáu tháng qua, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 46,5% thị phần. Chúng ta luôn hiểu đây là một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro, nhất là khi Trung Quốc đã “chốt” danh sách doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu gạo qua thị trường này cũng như đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chính vì vậy, đa dạng hóa thị trường luôn luôn phải là “kế sách” cao nhất đối với xuất khẩu gạo của nước ta. Bên cạnh đó, một vấn đề cần được nhấn mạnh theo thời gian là không nên trông chờ quá nhiều vào các hợp đồng tập trung mà cần đẩy mạnh tìm kiếm các hợp đồng thương mại, đồng thời tăng cường xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá cao thay vì xuất khẩu các loại gạo phẩm cấp thấp, giá thấp như nhiều năm nay.

Năm 2017, theo dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt hơn năm triệu tấn. Với những tín hiệu lạc quan trên thị trường xuất khẩu gạo vài tháng trở lại đây cùng mức giá được kỳ vọng sẽ còn tăng trong thời gian tới thì mục tiêu đặt ra không quá xa. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, những tháng cuối năm thường chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có ngành lúa gạo. Từ đó dẫn đến nhiều kết quả trái chiều – có thể là “đột phá” nhưng cũng có thể là “bước lùi” so với hiện tại. Chính vì vậy, các ngành chức năng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát diễn biến của thị trường lúa gạo và chính sách chiến lược của các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo trên thế giới để có những định hướng hợp lý, đúng thời điểm cho xuất khẩu gạo của Việt Nam nửa cuối năm 2017.

Ánh Tuyết/ Nhân Dân