“Ông lớn” ngành bán lẻ cũng gặp vấn đề thua lỗ
Tập đoàn FamilyMart UNY hình thành từ thương vụ sát nhập hai tập đoàn FamilyMart và UNY, là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng tiện dụng lớn thứ hai, chỉ đứng sau 7-Eleven của Tập đoàn Seven & i Holdings.
Tuy nhiên báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 năm tài chính 2016 – 2017 cho thấy, tình hình kinh doanh của hãng này tại Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Reuters, Chủ tịch Tập đoàn Family Mart UNY của Nhật cho biết sẽ không rút vốn đầu tư tại thị trường đang phát triển như Việt Nam nhưng cũng không thể đổ thêm vốn để đầu tư hơn mức hiện tại.
Việc kinh doanh của tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia liên tục thua lỗ, nhưng các cửa hàng của FamilyMart tại thị trường Trung Quốc và Đài Loan đang sinh lời. Tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản này chia sẻ đang cân nhắc việc bắt tay hai doanh nghiệp từ Trung Quốc và Thái Lan để đẩy mạnh hiện diện tại hai quốc gia đang có tiềm lực phát triển này.
Doanh nghiệp bán lẻ ngoại có dè chừng khi muốn đầu tư vào Việt Nam?
Thị trường Việt đang ngày càng có nhiều nhà bán lẻ ngoại gia nhập. Hàng loạt chuỗi cửa hàng Circle K, Vinmart+ mọc lên tràn lan khắp các con phố ngõ hẻm. Cuộc chiến giành thị phần sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn, chuyện tụt lại phía sau chịu thua lỗ điều khó tránh khỏi.
FamilyMart không phải là tập đoàn bán lẻ ngoại duy nhất gặp vấn đề thua lỗ trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, tháng 11/2016, tập đoàn bán lẻ Parkson của Malaysia cũng từng gây xôn xao khi liên tiếp báo thua lỗ từ năm 2014 và buộc phải đóng cửa ba trung tâm thương mại ở Việt Nam.
Hệ thống bán lẻ Ministop của Nhật Bản cũng đang tìm cách thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Akiihiko – Tổng Giám đốc công ty cho biết trên thực tế, khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, để hoàn vốn và bắt đầu thu lợi nhuận cần ít nhất 5 – 6 năm đầu tư chịu lỗ. Mỗi năm Ministop cần tăng khoảng 80 – 100 cửa hàng ở và phải đạt đến con số 300 cửa hàng, nếu muốn có lãi sớm để thu hồi vốn đầu tư.
Giới chuyên gia cho rằng, nguồn vốn duy trì hoạt động để vượt qua thời điểm thua lỗ ban đầu là vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại gặp phải.
Các cửa hàng tạp hóa truyền thống cũng cần thay đổi
Từ việc kinh doanh thua lỗ của FamilyMart hay trường hợp của Parkson, có thể thấy trong thời gian tới thách thức cạnh tranh sẽ còn đè nặng lên cả các nhà bán lẻ quốc tế và nội địa.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, có ba thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt trong thị trường bán lẻ những năm tiếp theo.
Doanh nghiệp Việt cần có tư duy hội nhập, đưa thị trường khu vực và thế giới vào chiến lược và kế hoạch phát triển. Có như vậy, DN Việt mới có thể tránh được tình trạng thua trên chính sân nhà khi các DN ngoại ngày càng thâm nhập sâu rộng.
Để có thể cạnh tranh tại thị trường khu vực và quốc tế, các vấn đề về nền tảng quản trị, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, marketing đến đào tạo nhân sự,… đều cần được chú trọng đầu tư để xây dựng chiến lược cho sự phát triển trong tương lai.
Về điều này, DN Việt hiện đang rất yếu và cần tái cấu trúc ngay lập tức, cần những thay đổi lớn và nhanh nếu muốn theo kịp các DN ngoại, vươn tầm phát triển quốc tế.
Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN Việt hiện đang rất lạc hậu về công nghệ, nếu không cập nhật nhanh và kịp thời, chúng ta sẽ hoàn toàn thua trắng trong cuộc chạy đua về ứng dụng công nghệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội hiếm có nhất để các DN ứng dụng công nghệ để xây dựng những mô hình mới hiện đại hơn, tạo ra vị thế cạnh tranh hơn.
Thanh Thuý/Báo Thương trường